Các tuyến quốc lộ chính về miền Tây. Ảnh: Thanh Huyền. |
Từ TP HCM, người dân về miền Tây ăn Tết có thể theo ba tuyến quốc lộ: quốc lộ 50, quốc lộ 1A và quốc lộ N2. Cả ba tuyến đường này đều qua cửa ngõ tỉnh Long An, có nhiều nút thắt và thường quá tải vào dịp lễ, Tết. Những ngày qua, lượng xe đổ về miền Tây bắt đầu tăng, nhưng cao điểm được dự báo từ 28 tháng Chạp, khi người dân bước vào kỳ nghỉ Tết 7 ngày.
Để ứng phó dịp Tết Canh Tý, tuyến tránh quốc lộ 1A, đoạn qua TP Tân An (Long An) dài khoảng 6 km, mặt đường rộng 9-19 m, với 4-6 làn xe vừa được hoàn thành. Trên tuyến đường này còn xây mới cầu Tân An dài 400 m, rộng 12 m, cách cầu hiện hữu 2 m.
Trước đó, sau 17 năm sử dụng, tuyến đường đã xuống cấp, nhiều ổ gà, ổ voi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và quá tải dịp lễ, Tết. Cuối năm 2018, dự án mở rộng tuyến đường được Bộ Giao thông Vận tải khởi công, kinh phí trên 350 tỷ đồng.
Tuyến đường tránh qua TP Tân An (Long An) vừa hoàn thành mở rộng, nâng cấp. Ảnh: Hoàng Nam. |
Ngoài điểm trên, theo thượng tá Lại Văn Út, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Long An, các tuyến đường như quốc lộ N2, quốc lộ 62, quốc lộ 1A đoạn qua cầu Bến Lức cũng là "điểm nóng" kẹt xe những ngày sắp tới.
"Chúng tôi có kế hoạch phối hợp với TP HCM và Đồng Tháp để chủ động chốt chặn các cửa ngõ, điều tiết phương tiện nhất là ôtô đi đường vòng, hoặc lên cao tốc. Về lâu dài, kiến nghị Trung ương sớm mở rộng các tuyến đường này", thượng tá Út nói.
Cũng trên quốc lộ 1A, sau khi qua Long An, người dân cũng thường "chịu trận" đoạn huyện châu Thành (Tiền Giang). Nguyên nhân là đoạn đường này có nhiều cầu hẹp, lưu lượng xe đông gây tình trạng "thắt cổ chai".
Để xóa điểm đen này, Bộ Giao thông Vận tải đã chi 200 tỷ đồng mở rộng bốn cầu gồm cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý và cầu Rạch Miễu. Bốn cầu sẽ được mở rộng từ 12,5 m, hai làn xe lên 20,5 m, 6 làn xe.
Dự kiến cầu Rượu thông xe trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang ngày 19/1 cho hay, đến thời điểm hiện tại, vì nhiều lý do cầu này vẫn chưa xong. Người dân vì thế sẽ vẫn đi qua cầu cũ như mọi năm, nhiều khả năng cảnh kẹt xe sẽ tái diễn.
"Chúng tôi đã bàn bạc với cảnh sát giao thông lập chốt kiểm soát tại khu vực các cầu nói trên, kịp thời xử lý các sự cố để hạn chế kẹt xe", ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang nói.
Tại Bến Tre, hai ngày qua, do người dân đổ về quê tảo mộ và xe chở hàng hóa dịp Tết tăng khiến cầu Rạch Miễu quá tải, ôtô liên tục nối dài ở hai đầu cầu. Trạm thu phí liên tục xả cửa, CSGT cũng được huy động điều tiết.
Thời gian qua, tại khu vực trạm thu phí, bến xe, trạm dừng chân trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cảnh sát giao thông đã phát 5.000 tờ rơi, khuyến cáo người dân hạn chế qua cầu, từ 16h đến 20h hàng ngày vào dịp Tết Nguyên đán.
Hơn tuần trước, Tổng cục Đường bộ đã đồng ý hạn chế xe có tải trọng trên 16 tấn và xe kéo rơ-mooc các loại qua cầu Rạch Miễu và quốc lộ 60. Theo đó, hướng Tiền Giang đi Bến Tre, các xe trên sẽ bị cấm qua cầu 9h – 11h, 15h – 18h và 15h – 18h với hướng còn lại. Thời gian áp dụng lệnh cấm xe từ 17/1 đến 13/2 (23 tháng Chạp - 20 tháng Giêng).
Theo Sở Giao thông Vận tải Bến Tre, hiện mỗi ngày có khoảng 18.000 lượt ôtô qua cầu Rạch Miễu. Riêng thứ bảy, chủ nhật tăng lên khoảng 20.000 xe, vượt gấp ba lần thiết kế cho phép của cầu.
Cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra kẹt xe. Ảnh: Hoàng Nam. |
Ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu cũng nói, hiện tình trạng kẹt xe trên cầu không chỉ diễn ra dịp lễ, Tết mà ngay cả ngày thường. Do mặt cầu hẹp, mỗi chiều chỉ có một làn xe bốn bánh, nên chỉ cần một vài xe tải nặng lên cầu sẽ gây ùn tắc. "Việc cấm xe tải trọng lớn lưu thông qua cầu giờ cao điểm sẽ góp phần giảm kẹt xe dịp Tết này", ông Nam nói.
Trên hành trình về miền Tây ăn Tết, người dân sau khi qua cầu Rạch Miễu sẽ chạy trên quốc lộ 60, rồi đi theo hướng cầu Cổ Chiên và phà Đình Khao (nối Bến Tre - Vĩnh Long). Tại phà này, hiện lượng ôtô đã bắt đầu tăng từ 1.600 lên 1.800-1.900 lượt mỗi ngày, chủ yếu là xe tải chở hàng. Lượng xe máy vẫn ở mức 8.000-9.000 lượt mỗi ngày. Dự kiến, đợt cao điểm xe qua phà từ 27 tháng Chạp đến mùng bốn Tết.
Ông Lê Hoàng Thông - Trưởng bến phà nhận định, đợt Tết Nguyên đán năm nay, lượng xe qua bến tăng khoảng 20%. Đơn vị đã huy động năm đội phà hoạt động đợt cao điểm, tăng một đội so ngày thường. Hai phà loại 200 tấn và ba phà 100 tấn chạy 24/24. Đồng thời, một phà 100 tấn được bố trí dự phòng tình huống bất ngờ. Ngoài ra, 80 cán bộ bến phà chia làm ba ca hoạt động suốt ngày đêm để đảm bảo lưu thông xuyên suốt, giảm thiểu tối đa ùn tắc.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng CSGT, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, Văn phòng dịch thuật từ ngày 24 tháng Chạp đơn vị đã triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết, thời gian kéo dài đến mùng bảy tháng Giêng. Trong đó, đặc biệt chú trọng tại các điểm nóng phà Đình Khao, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ.
Riêng tại phà Đình Khao, nếu bờ Vĩnh Long xảy ra ùn tắc thì cảnh sát giao thông sẽ điều tiết xe theo quốc lộ 53 vòng qua Trà Vinh rồi qua cầu Cổ Chiên về Bến Tre. Nếu ùn ứ xảy ra ở bờ huyện Chợ Lách (Bến Tre), các xe sẽ được hướng dẫn vòng về quốc lộ 60 để qua cầu Cổ Chiên về Trà Vinh.
Bến phà Đình Khao nối Bến Tre và Vĩnh Long thường xảy ra ùn tắc dịp lễ, Tết. Ảnh: Cửu Long. |
Tại cầu Mỹ Thuận trên quốc lộ 1A, nếu kẹt xe ở bờ Vĩnh Long, CSGT sẽ hướng dẫn các xe rẽ sang quốc lộ 80 vòng về hướng Đồng Tháp qua cầu Cao Lãnh, theo quốc lộ 30 qua quốc lộ 1A hoặc đi theo đường N2 về TP HCM. Ngược lại, nếu ùn tắc phía Cái Bè (Tiền Giang), các xe sẽ rẽ quốc lộ 30 sang Đồng Tháp, qua cầu Cao Lãnh, Vàm Cống về Cần Thơ.
"Lực lượng CSGT ứng trực 24/24, sẵn sàng điều tiết xe chạy ngược chiều trên cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ trong trường hợp khẩn cấp như tai nạn, xe chết máy để giải tỏa kẹt xe, giúp người dân về Tết an toàn", thượng tá Dũng nói.
Hoàng Nam - Cửu Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét